Cây Móng Bò Tím
Tên phổ thông : Móng Bò Tím, Lan Hoàng Hậu, Hoa Ban Tím
Tên khoa học : Bauhinia purpurea
Họ thực vật : Vang – Caesalpiniaceae
Nguồn gốc xuất xứ : Trung Quốc, Ấn Độ, Mianma.
Phân bổ ở Việt Nam : rộng khắp
A. Đặc điểm hình thái:
Thân, tán , lá: cây gỗ nhỏ trung bình, cao 2-6m, phân cành dài, tán rộng, thưa. Lá to, hình tim ở gốc, đầu có 2 thùy thuôn dạng tròn, màu xanh bóng, nhẵn, gốc có 9-11 gân rõ. Cuống lá dài cứng.
Hoa, quả, hạt: Cụm hoa dạng chùm thưa, mang hoa lớn, màu đỏ tím rất đẹp, có hương thơm. Hoa có cánh tràng mềm, mép răn ren kéo dài và hẹp thành móng ở gốc, ở giữa có một cánh thìa dạng thuôn hình giáo nổi rõ đốm trắng, Quả lớn, màu nâu sẫm, dẹt thuôn đều, dài 20-30 cm, rộng 2 cm, hạt dẹt.
B. Đặc điểm sinh lý, sinh thái:
Tốc độ sinh trưởng: trung bình
Cây ưa sáng, đất giàu dinh dưỡng, thoát nước tốt, không cần cắt tỉa thường xuyên, sức sống có thể giảm sau thời kỳ ra hoa cần được chăm sóc và bổ sung chất dinh dưỡng.
Ngoài tác dụng là cây cảnh quan, móng bò còn được dùng làm dược học hoặc thực phẩm, như: lá có hàm lượng canxi và sắt cao, có vị chua nên thường được dùng làm chất tẩm tạo hương vị cho thịt và cá. Nhiều bộ phận của cây được dùng hạ nhiệt, giảm đau, điều trị kiết lị, tiêu chảy, giun sán, làm chất se, làm rượu bổ, điều trị các tổn thương ngoài da…